trang chủ tin tức xe Toyota nhận "trái đắng" từ Daihatsu gian lận an toàn

Toyota nhận "trái đắng" từ Daihatsu gian lận an toàn

Bê bối lớn nhất ngành xe vừa được phanh phui khi thương hiệu con của Toyota là Daihatsu đã thừa nhận gian lận trong kiểm nghiệm an toàn với hàng loạt mẫu xe đang bán trên thị trường.

Toyota nhận "trái đắng" từ Daihatsu gian lận an toàn

Daihatsu là thương hiệu đã được sở hữu bởi Toyota từ năm 2016. Đến nay, Toyota đã giao phó toàn bộ việc sản xuất những dòng xe giá rẻ cho Daihatsu từ khâu thiết kế đến việc sử dụng phụ tùng, máy móc và chỉ việc "đóng" logo Toyota để bán ra thị trường.

Việc "phó mặc" cho Daihatsu khiến Toyota đang phải gánh hậu quả lớn khi mới đây, thương hiệu này đã bị phanh phui bê bối gian lận trong quá trình kiểm tra an toàn.

Cụ thể, Daihatsu đã gian lận trong các cuộc thử nghiệm an toàn va chạm vào tháng 4 liên quan đến 88.000 ô tô, hầu hết các xe được bán dưới thương hiệu Toyota và cuộc điều tra mới nhất cho thấy phạm vi bê bối lớn hơn rất nhiều.

Các hành vi gian lận trong thử nghiệm túi khí, các bài thử nghiệm tác động tới tựa đầu ghế và tốc độ thử nghiệm với một số mẫu xe đã được Daihatsu thực hiện từ năm 1989, nhưng đến sau 2014 thì bắt đầu phổ biến.

Bê bối ngành xe ô tô: Daihatsu "đóng" logo Toyota vướng gian lận an toàn, người dùng có quá dễ dãi?- Ảnh 1.

Xe Toyota do Daihatsu sản xuất bị gian lận an toàn. Ảnh TMV.

Đến nay, các mẫu xe trực tiếp bị ảnh hưởng vì gian lận trong quá trình thử nghiệm an toàn của Daihatsu đang bán trên thị trường dưới thương hiệu Toyota có thể kể đến như: Toyota Wigo, Rush, Avanza, Veloz, Raize, Yaris Cross...

Đây hầu hết là những mẫu xe mới của Daihatsu phát triển trong thời gian gần đây và được bán dưới thương hiệu Toyota. Ngoài việc "đóng" logo và phân phối, Toyota đã không tham gia trực tiếp vào bất cứ quá trình sản xuất nào của những chiếc xe trên, ngay cả việc kiểm thử an toàn.

Chính việc buông lỏng quản lý, để mặc thương hiệu con Daihatsu nên giờ đây Toyota đang phải gánh hậu quả nghiêm trọng khi lòng tin của người dùng vào thương hiệu từng có giá trị cao nhất thế giới này đã bị lung lay dữ dội.

Trong kinh doanh, "niềm tin" là thứ quan trọng nhất mà các doanh nghiệp phải mất hàng chục năm, thậm chí vài chục năm để xây dựng. Khi Toyota đã trở thành thương hiệu toàn cầu và dẫn đầu trong ngành công nghiệp ô tô thế giới thì họ lại tự "bắn vào chân mình" khi để Daihatsu làm ảnh hưởng lớn.

Thực tế cũng cho thấy, ở Việt Nam, trước đây mỗi khi mua xe, người dân mặc định là Toyota, thương hiệu định nghĩa của sự an toàn, bền bỉ... Thế nhưng, trong khoảng 5 năm trở lại đây, doanh số của Toyota tụt dốc không "phanh".

Bê bối ngành xe ô tô: Daihatsu "đóng" logo Toyota vướng gian lận an toàn, người dùng có quá dễ dãi?- Ảnh 2.

Toyota đang phải gánh hậu quả khi bán xe Daihatsu. Ảnh KP.

Điển hình là Toyota Fortuner, mẫu xe từng bán chạy nhất phân khúc SUV cỡ  trung với hơn 1.000 xe/tháng, nhưng giờ chật vật để bán 200 xe. Toyota Innova hoàn toàn thất thế khi Mitsubishi Xpander ra mắt và thậm chí còn rơi vào Top xe bán ế.

Toyota Vios đã bị rớt khỏi Top 10 xe bán chạy trong 3 tháng vừa qua, việc chưa từng xảy ra lần nào kể từ khi mẫu xe này bán tại Việt Nam. Đến giờ, Toyota Vios vẫn đang chật vật để cạnh tranh với các đối thủ cùng phân khúc.

 

Toyota Avanza Premio, Veloz Cross, Vios Yaris Cross, Wigo... là những mẫu xe "tiếp viện" để thương hiệu Nhật Bản kỳ vọng về doanh số. Tuy nhiên, vướng bê bối gian lận an toàn đã khiến các dòng xe này buộc phải dừng giao đến tay khách hàng.

Có thể thấy, khi các mẫu xe giá rẻ của Daihatsu "đóng" logo Toyota chưa kịp giúp hãng xe Nhật Bản trở lại thời hoàng kim thì khiến họ phải đau đầu để giải quyết bê bối an toàn này.

Người dùng có mù quáng khi mua xe Toyota chỉ nhận lại mỗi logo?

"Toyota muốn đi tắt để để kéo doanh số khi đang rớt thê thảm trong thời gian qua bằng việc sử dụng xe Daihatsu. Tuy nhiên, những người tiêu dùng thông thái sẽ không ném tiền qua cửa sổ để mua xe Daihatsu giá rẻ, chất lượng tệ", người dùng Nhật Minh chia sẻ.

Khi ô tô đã thực sự được người dùng coi là phương tiện đi lại chứ không nhất thiết phải là một món tài sản để khoe thì quan niệm đã dần thay đổi trong việc chọn xe. Đó chính là yếu tố mà các thuơng hiệu bảo thủ như Toyota đang giảm doanh số trông thấy tại Việt Nam.

Bê bối ngành xe ô tô: Daihatsu "đóng" logo Toyota vướng gian lận an toàn, người dùng có quá dễ dãi?- Ảnh 4.

Cùng tầm giá, người dùng có nhiều lựa chọn tốt hơn xe Toyota. Ảnh VD.

Cùng tầm giá, thậm chí rẻ hơn, nhưng khi người dùng chọn những dòng xe Mitsubishi, Suzuki, hay các thương hiệu Hàn Quốc như KIA, Hyundai... các trang bị tiện nghi, an toàn hay vận hành đều vượt trội hơn xe Toyota. Do đó, dễ hiểu vì sao Toyota bị bỏ lại phía sau trong cuộc đua doanh số ở mọi phân khúc ở thị trường Việt Nam.

"Ngày xưa, nhiều người coi ô tô là tài sản nên mua xe cứ phải Toyota. Giờ đây, mua xe Toyota giá rẻ được đúng logo, còn mọi thứ đều do Daihatsu làm thì niềm tin về sự an toàn, bền bỉ còn đâu. Trong khi đó, cùng tầm giá, các thương hiệu khác đều có thiết kế đẹp, trang bị tốt hơn rất nhiều", người dùng Tuấn Anh nhận định.

Đúng là với những dòng xe giá rẻ, người dùng bây giờ chỉ nhận về đúng logo Toyota, mọi thứ hoàn toàn do Daihatsu thiết kế, sản xuất. Chính vì thế, trừ những "Fan cuồng" Toyota ra, rất ít người đặt niềm tin vào xe giá rẻ của thương hiệu Nhật Bản dù phần nhìn là thực sự ấn tượng.

Tuy nhiên, không còn sự tin tưởng về sự an toàn, đặc biệt những chiếc xe va là bung, đâm là nát như Toyota Veloz Cross ở Việt Nam thời gian vừa qua. Điều này khiến người dùng thực sự lo ngại khi mua ô tô để nâng cao sự an toàn, nhưng lại không cảm thấy an toàn khi đi xe gắn mác Toyota.

Khi niềm tin về sự an toàn, điều quan trọng nhất với một thương hiệu ô tô của người dùng đã không còn thì dù có giá rẻ, xe Daihatsu bán dưới thương hiệu Toyota cũng khó thuyết phục người dùng lần thứ 2.

(Nguồn https://danviet.vn/be-boi-nganh-xe-o-to-daihatsu-dong-logo-toyota-vuong-gian-lan-an-toan-nguoi-dung-co-qua-de-dai-20231221214019698.htm)