trang chủ tin tức xe Trong năm 2024, Việt Nam đón nhận kỷ lục hãng xe Trung Quốc gia nhập thị trường

Trong năm 2024, Việt Nam đón nhận kỷ lục hãng xe Trung Quốc gia nhập thị trường

Thị trường Việt 2024 đón nhận 7 hãng ôtô mới từ Trung Quốc, số lượng nhiều nhất từ trước đến nay tính trong một năm.

Năm 2024, ngành ôtô Việt có thêm 7 hãng xe nước ngoài mới, tất cả đều là các thương hiệu Trung Quốc. Tổng số thương hiệu từ quốc gia láng giềng hiện là 13, chưa kể các hãng phân phối nhỏ lẻ, ngắt quãng như Brilliance, Beijing... Số lượng các hãng xe Trung Quốc hiện nhiều nhất thị trường, vượt qua Nhật Bản, quốc gia với 9 thương hiệu đang có mặt tại Việt Nam.

Dưới đây là các hãng Trung Quốc gia nhập thị trường trong 2024:

BYD

Xét về tiềm lực và quy mô, BYD là cái tên đáng chú ý nhất trong làn sóng đổ bộ của xe Trung Quốc vào Việt Nam lần này. Tháng 7, BYD giới thiệu bộ ba sản phẩm đầu tiên là Dolphin (hatchback cỡ B), Atto 3 (CUV cỡ B), Seal (sedan cỡ D). Tất cả đều thuần điện.

 

Khách hàng tham khảo mẫu Han tại gian hàng BYD ở VMS 2024. Ảnh: BYD

Tiến vào một thị trường xe điện còn non trẻ như Việt Nam và đối thủ VinFast đang xây chắc lợi thế sân nhà nhờ dải sản phẩm đa dạng, hệ thống trạm sạc lớn, BYD, hãng xe điện lớn nhất thế giới về doanh số chọn cách tiếp cận chậm rãi. Hãng tổ chức nhiều đợt lái thử xe cho khách hàng, giới truyền thông, ghi nhận phản hồi trong nhiều tháng trước khi bán sản phẩm thương mại.

Trong vòng 4 tháng, BYD giới thiệu liên tiếp 5 sản phẩm khác nhau, từ gầm thấp đến gầm cao. Những mẫu xe mới gần đây là M6 phân khúc MPV cỡ nhỏ và Han, sedan cỡ E tiệm cận hạng sang. Trong 2025, hãng nói rằng sẽ có thêm những cái tên mới để đa dạng hóa danh mục lựa chọn cho khách.

BYD không xây dựng trạm sạc công cộng như VinFast mà sử dụng dịch vụ từ đối tác thuộc công ty thứ ba. Đây cũng là cách những hãng xe Trung Quốc khác thực hiện khi vào Việt Nam. BYD lập công ty BYD Việt Nam để phân phối xe BYD. Hiện hãng có 18 đại lý đã đi vào hoạt động.

Omoda & Jaecoo

Xét về độ cẩn trọng, hai thương hiệu Omoda, Jaecoo thuộc tập đoàn Chery còn đậm nét hơn cả BYD. Đánh tiếng gia nhập thị trường vào 2021 nhưng đến tháng 11/2024, Chery mới bắt đầu hoạt động kinh doanh và cũng chỉ mới Omoda là bán sản phẩm mới ra thị trường.

Omoda C5 ra mắt thị trường Việt Nam tại Hải Phòng ngày 26/11. Ảnh: Lương Dũng

Hãng mẹ Chery từng xuất hiện tại Việt Nam hồi 2009 nhưng kinh doanh không thành công. Trong lần trở lại này, hãng bắt tay với đối tác phân phối là công ty Geleximco. Liên doanh này lên kế hoạch khởi công xây dựng nhà máy tại Thái Bình trong 2024 và hoàn thành giai đoạn một vào quý I/2026.

Sau khi hoàn thành giai đoạn một, công suất nhà máy Omoda, Jaecoo khoảng 50.000 xe mỗi năm. Trong quá trình xây dựng nhà máy, những mẫu xe của hãng đưa về Việt Nam nhập khẩu chính hãng từ Indonesia. Chiếc Omoda C5 nhập từ xứ vạn đảo hiện có giá 589-669 triệu đồng.

Omoda gây chú ý khi bảo hành 10 năm cho động cơ và 7 năm hoặc 1 triệu km lăn bánh cho xe. Đây là mức bảo hành cao nhất trên thị trường ôtô Việt Nam hiện tại. Hầu hết các hãng xe phổ thông trên thị trường có chính sách bảo hành 3-6 năm hoặc 100.000-150.000 km, tùy điều kiện nào đến trước.

Trước hãng Trung Quốc, VinFast là cái tên nổi bật nhất ở chính sách hậu mãi. Mức bảo hành cao nhất được hãng Việt áp dụng là 10 năm hoặc 200.000 km, tùy mẫu xe. Hiện có 12 đại lý Omoda, Jaecoo đã đi vào hoạt động.

M6 Pro tại triển lãm VMS 2024. Ảnh: Thành Nhạn

GAC

Bắt đầu hoạt động kinh doanh từ tháng 8 bằng hai mẫu GS8 (SUV cỡ D) và M8 (MPV cỡ trung), GAC là thương hiệu Trung Quốc thứ ba gia nhập thị trường Việt. Hiện tất cả xe đều nhập từ thị trường quê nhà của GAC.

Đến tháng 10, tại triển lãm Ôtô Việt Nam (VMS) 2024, hãng giới thiệu thêm mẫu MPV cỡ trung, M6 Pro với giá bán 699-799 triệu đồng. GAC tại Việt Nam được phân phối bởi đối tác Tanchong, công ty từng phân phối thương hiệu Nissan trước đó.

Khác với các hãng đồng hương, dải sản phẩm của GAC đều ở phân khúc từ cỡ trung trở lên. Riêng hai mẫu gầm cao là GS8 và M8 có giá ngang ngửa với các đối thủ Nhật, Hàn, Mỹ. Lợi thế của những mẫu xe này là lượng tiện nghi và công nghệ ngập tràn cùng thiết kế trau chuốt ở nội thất. GAC hiện có 7 đại lý đã đi vào hoạt động.

Aion

Aion và GAC đều thuộc hãng mẹ là tập đoàn ôtô Quảng Châu (GAC Group). Tại Việt Nam, hai thương hiệu này không có mối liên hệ nào về nhà phân phối. Công ty Harmony Việt Nam (thuộc Harmony Group - Trung Quốc) nắm quyền nhập khẩu và phân phối Aion và chỉ gồm xe thuần điện.

Mẫu sedan thuần điện Aion ES tại TP HCM. Ảnh: Aion

Hiện Aion mới chỉ có một đại lý ở TP HCM đi vào hoạt động. Hãng đang tìm kiếm thêm đối tác để mở rộng mạng lưới. Hãng xe Trung Quốc cũng sử dụng dịch vụ từ công ty thứ ba để phục vụ nhu cầu sạc của khách hàng.

Aion mở bán sản phẩm đầu tiên là Aion ES, sedan có kích thước tổng thể cỡ D nhưng trục cơ sở thuộc nhóm xe cỡ C, giá 788 triệu đồng. Bên cạnh đó là mẫu CUV cỡ B+, Y Plus giá 888 triệu đồng. Cả hai sản phẩm này đều nhập từ Trung Quốc.

Ngoài các hãng xe kể trên, Geely và Zeekr, thông qua đối tác phân phối Tasco, cũng vào Việt Nam trong 2024. Tuy nhiên, hai thương hiệu này chưa có hoạt động kinh doanh cụ thể. Sang 2025, một thương hiệu Trung Quốc khác là Dongfeng dự kiến ra mắt thị trường.

Hồi tháng 9, Tasco và Geely Auto ký hợp đồng liên doanh tại Việt Nam. Liên doanh này sẽ xây dựng nhà máy đặt tại KCN Tiền Hải, Thái Bình từ nửa đầu 2025. Đến 2026, xe Geely và Lynk & Co - thương hiệu thuộc Geely, sẽ được sản xuất tại Việt Nam.

(Nguồn https://vnexpress.net/oto-trung-quoc-o-at-vao-viet-nam-2024-4832495.html)